Skip to main content

Đầy đủ nhất về bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng

  • Ngày đăng:

    28/05/2020
  • Lần cập nhật cuối:

    26/07/2023
  • Số lần xem

    92

Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng có thể gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Để phòng ngừa tối đa căn bệnh này, ai cũng nên tìm hiểu kỹ càng những dấu hiệu, nguyên nhân và cách cách xử lý đúng đắn khi phát hiện mình hoặc người xung quanh có vấn đề liên quan đến dạ dày.

Xem thêm:

1. Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng là gì

Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng các lớp niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng xuất hiện những thương tổn hoặc vết loét sâu gây ra những cơn đau khó chịu ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Bệnh lý viêm loét dạ dày tá trang
Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng cao so với thế giới

Hiện nay tại nước ta có đến 11 – 15% dân số đã từng hoặc có mắc các bệnh lý liên quan đến viêm loét dạ dày tá tràng. Đây được xem là một trong những căn bệnh phổ biến. Tuy không gây ra những hậu quả nghiêm trọng tức thời nhưng nếu viêm loét dạ dày tá tràng kéo dài mà không có phương pháp điều trị kịp thời và thích hợp, người bệnh có thể sẽ phải chịu đựng những biến chứng về sau.

2. Nguyên nhân của bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng

Acid dạ dày

Tình trạng tăng tiết acid dạ dày khiến pH của môi trường khu vực này bị rối loạn, phải chịu nhiều tổn thương do lượng acid quá cao sẽ làm tăng nguy cơ gây ra những cơn đau do viêm loét dạ dày tá tràng khiến người bệnh hết sức đau đớn.

Lạm dụng thuốc Nsaid

Sử dụng thuốc Nsaid dẫn tới ức chế enzym COX-1, điều này làm giảm tiết prostaglandin. Prostaglandin là chất trung gian hóa học có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Việc lạm dụng Nsaid chính là nguyên nhân thường gặp dẫn đến các cơn đau do viêm loét dạ dày tá tràng vì có khoảng 30% người sử dụng các loại thuốc kháng viêm Nsaid gặp rắc rối với các vấn đề liên quan đến căn bệnh này.

Bướu tiết gastrin

Hội chứng Zollinger-Ellison hay con gọi là hội chứng u đầu tụy, Các u đầu tụy (bướu gastrin) có khả năng tiết ra gastrin là yếu tố kích thích tiết acid dạ dày gây loét. Bướu tiết gastrin có khả năng khiến bệnh nhân bị viêm loét dạ dày nặng và rất khó chữa, trên hình ảnh nội soi thường phát hiện các nếp dạ dày bị phì đại, tiêu chảy và trào ngược dạ dày cũng xảy ra thường xuyên.

Nhiễm Hp

Vi khuẩn Hp gây ra bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng
Vi khuẩn Hp là nguyên nhân chính dẫn tới loét dạ dày tá tràng

H.pylori hay còn gọi là vi khuẩn Hp là nguyên nhân khiến nhiều người bị viêm loét dạ dày tá tràng nặng. Loại vi khuẩn này có khả năng sống sót trong môi trường acid của dạ dày, chúng không ngừng sản xuất ra protease và phospholipases, tấn công chất nhầy ở niêm mạc bằng cách phân hủy phức hợp glycoprotein lipid khiến lớp niêm mạc không còn khả năng bảo vệ. Chúng tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn kết dính tấn công biểu mô dạ dày, thúc đẩy quá trình viêm loét diễn ra kéo dài âm ỉ.

Tăng calci máu

Tăng calci máu làm kích thích trực tiếp sự giải phóng gastrin từ bướu gastrin đồng thời cũng là nguyên nhân gây tăng tiết acid dạ dày ở bệnh nhân. Mất cân bằng ổn định môi trường acid khiến các lớp niêm mạc dễ bị tấn công gây tổn thương, tạo ra những ổ viêm loét.

Gen

Có khoảng 20% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày do yếu tố di truyền từ gia đình, điều này khẳng định gen di truyền chiếm vai trò không hề nhỏ trong việc quyết định kết quả liệu bạn có mắc những căn bệnh liên quan đến dạ dày như bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng hay không.

Hút thuốc

Hút thuốc lá dẫn tới bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng
Hút thuốc lá không chỉ gây bệnh dạ dày mà còn là nguyên nhân của nhiều bệnh nguy hiểm khác như viêm phổi, ung thư, tim mạch…

Hút thuốc là thói quen không tốt có khả năng làm niêm mạc tăng nhạy cảm, khói thuốc cùng những chất độc hại trong chúng cũng làm giảm các yếu tố bảo vệ khu vực niêm mạc. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng người hút thuốc có nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng cao hơn gấp 2 lần người bình thường. Khói thuốc cũng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Hp và làm tăng khả năng tái nhiễm sau khi hết bệnh lên rất cao so với thông thường.

Chấn động tâm lý Stress

Các chuyên gia cho rằng những cơn chấn động cấp tâm lý gây căng thẳng mệt mỏi lâu ngày thực sự là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng viêm loét dạ dày, chúng khiến acid dạ dày tăng tiết cơ bản đáng kể làm cho môi trường của dạ dày bị xáo trộn, dễ thương tổn và bị tấn công.

Rượu và chế độ ăn

Rượu gây ra bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng
Uống rượu bia là yếu tố kích thích cơn loét dạ dày cấp

Chế độ ăn không lành mạnh, điều độ, thường xuyên ăn thức ăn cứng, nhai không kỹ, ăn không đúng giờ, nhịn ăn,… cũng sẽ khiến dạ dày gặp khó khăn trong việc thực hiện những chức năng của mình và cũng tăng nguy cơ viêm loét, tổn thương dạ dày tá tràng đáng kể. Sử dụng rượu thường xuyên có thể làm tăng hoặc giảm tiết acid khiến dạ dày không được ổn định.

Những yếu tố căn nguyên bổ sung:

Bên cạnh những yếu tố vừa nêu trên, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cũng co thể phát xuất từ những nguyên nhân khác như:

  • Nhiễm Cytomegalovirus
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
  • Bệnh Celiac
  • Bệnh Crohn
  • Bệnh dạ dày do chất ăn mòn
  • Các bệnh viêm dạ dày dạng hạt (histiocytosis X, sarcoidosis, lao)
  • Bệnh dạ dày do mật
  • Xơ gan
  • Bệnh mảnh ghép tấn công ký chủ
  • Viêm dạ dày dị ứng và viêm dạ dày tăng bạch cầu ái toan
  • Bệnh tự miễn
  • Bệnh dạ dày do tăng ure máu
  • Viêm dạ dày Henoch-Schönlein
  • Nhiễm Epstein-Barr virus, giang mai, Helicobacter heilmannii, mucormycosis HIV, cúm, Candida albicans, histoplasmosis, herpes simplex và nhiễm giun tròn
  • Hóa trị, như methotrexate, 5-fluorouracil,và cyclophosphamide
  • Tia xạ tại chỗ gây tổn thương niêm mạc, có thể gây loét tá tràng
  • Sử dụng cocaine cứng làm giảm lưu lượng máu đồng thời gây tổn thương niêm mạc, co mạch cục bộ

3. Cơ chế gây nên bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng

Cơ chế gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng chính là sự mất cân bằng yếu tố tấn công và yếu tổ bảo vệ

Yếu tố tấn công

  • Acid dịch vị: Tăng tiết acid dịch vị diễn ra khi bệnh nhân sử dụng rượu bia, thuốc lá, nhiễm vi khuẩn hp hoặc có chế độ sinh hoạt không lành mạnh. Acid dịch vị tăng tiết gây tổn thương các noron, biểu mô niêm mạc, mạch máu và cũng có khả năng xâm nhiễm các tế bào bị viêm
  • Pepsin: Pepsin là yếu tố có khả năng gây phá hủy bề mặt các lớp chất nhầy bảo vệ biểu mô niêm mạc, pepsin tạo điều kiện cho acid dịch vị tiếp cận vào lớp biểu mô của phần niêm mạc dạ dày. Nếu lớp nhầy này bị phá vỡ và phần niêm mạc cũng bị các acid tấn công gây tổn thương, pepsin lúc này lại tiến hành phối hợp khiến tổn thương ở ổ loét ngày càng nặng hơn.

Yếu tố bảo vệ

  • Lớp màng nhầy: Đây là lớp màng phủ trên bề mặt niêm mạc có dạng gel, chúng ngăn chặn không cho acid dịch vị và pepsin tấn công cũng như khuếch tán sâu vào bên trong gây thương tổn.
  • Tế bào biểu mô niêm mạc: Các tế bào này giúp giảm khả năng tấn công của acid dịch vị nếu chúng qua được lớp gel bảo vệ. Đồng thời tế bào biểu mô niêm mạc cũng có thể tái sinh rất nhanh mỗi khi bị tổn thương rất thích hợp đóng vai trò bảo vệ cho các khu vực dạ dày tá tràng.
  • Sự tưới máu: Sự tưới máu thúc đẩy mang đi những acid dịch vị và góp phần hàn gắn, làm lành các vết loét đang trong tình trạng chịu nhiều thương tổn.
  • Prostaglandin: Chất có khả năng giúp tái tạo lại tất cả các yếu tố bảo vệ vừa nêu trên một cách nhanh chóng, gần như là lập tức. Chúng được sản xuất ngay tại chỗ, khuếch đại và điều phối được những yếu tố bảo vệ hoạt động nhịp nhàng và mạnh mẽ hơn.

4. Triệu chứng của bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng

Đau thượng vị: Viêm loét dạ dày tá tràng vì có triệu khá giống với các bệnh đường tiêu hóa khác nên rất khó để phân biệt cụ thể từng triệu chứng. Triệu chứng thường gặp nhất đó chính là đau vùng thượng vị.

Đau vùng thượng là triệu chứng của bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng
Đau vùng thượng vị là một trong các triệu chứng điển hình của viêm loét dạ dày tá tràng

Khi bị đau thượng vị, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau dữ dội ở vùng bụng trên, phía dưới ngực. Những cơn đau này tạo nên cảm giác cồn cào, nóng rát kinh khủng đặc biệt mỗi khi đói hoặc sau khi ăn no. Nếu bị loét dạ dày, cơn đau sẽ đến nhanh sau khi ăn, nếu bị loét tá tràng, cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn khoảng 2-3 giờ đồng hồ.

Những cơn đau thượng vị do viêm loét dạ dày tá tràng thường khá dữ dội và có khả năng kéo dài, cơn đau hay xuất hiện vào ban đêm gần sáng và nếu có biến chứng viêm tụy cấp, bệnh nhân sẽ thấy cơn đau lan ra cả vùng phía sau thắt lưng.

Các triệu chứng khác cũng thường gặp đi kèm với những cơn đau thượng vị chính là:

  • Khó tiêu, có triệu chứng ợ hơi, chướng hơi, vùng bụng thường xuyên bị căng và rất khó chịu và cảm thấy khó tiêu khi ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ
  • Nước bọt tiết ra nhiều hơn
  • Ợ nóng thường xuyên tạo cảm giác khó chịu
  • Vùng ngực cũng hay có cảm giác khó chịu
  • Hay xuất hiện cảm giác buồn nôn và nôn, sau khi nôn sẽ cảm thấy các triệu chứng khó chịu khác đỡ hơn rất nhiều
  • Nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen từng đợt trong nhiều ngày hoặc nhiều lần chỉ trong một ngày. Đây là hiện tượng thường gặp khi ổ loét bị chảy máu và cũng là biểu hiện rất nguy hiểm cần đi thăm khám ngay.
  • Đi ngoài ra máu đỏ do viêm loét chảy máu lượng nhiều
  • Hay gặp các biểu hiện đi kèm với thiếu máu (mệt mỏi, xanh xao, khó thở)
  • Giảm cân không rõ nguyên do, các triệu chứng xảy ra đột ngột không báo trước

Xem thêm: Tổng hợp 6+ triệu chứng viêm loét dạ dày đại tràng phổ biến nhất

5. Chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng

Nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày chuẩn đoán bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng
Nội soi là phương pháp chuẩn đoán nhanh với độ chính xác cao

Nội soi là biện pháp sử dụng một ống dài mềm linh hoạt phần đầu có camera để đưa vào dạ dày, toàn bộ hình ảnh về dạ dày sẽ hiện rõ trên màn hình để bác sĩ có thể quan sát và chẩn đoán bệnh. Nội soi bao gồm nội soi chẩn đoán loét dạ dày tá tràng và nội soi chẩn đoán Hp. Nội soi chẩn đoán loét dạ dày tá tràng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán, nhận biết ổ loét, kích thích cũng như vị trí ổ loét. Nội soi Hp giúp phát hiện và chẩn đoán nguy cơ nhiễm vi khuẩn Hp của người bệnh.

Test thở

Test thởi chuẩn đoán bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng
Test thở là phương pháp chuẩn đoán giúp bệnh nhân hoàn toàn không cảm thấy đau đơn

Phương pháp này thực hiện bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với chất urea đồng vị được đánh dấu (C13 hoặc C14) để phân tích luồng khí bệnh nhân thở ra. Phương pháp này giúp xác định bệnh nhân có bị nhiễm vi khuẩn Hp gây viêm loét dạ dày tá tràng hay không và hiện là phương pháp test vi khuẩn Hp có độ nhạy chính xác cao nhất lên đến 95%.

6. Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng nên dùng những thuốc gì

Để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bệnh nhân không thể không sử dụng các loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc rất thường được dùng để điều trị cho bệnh nhân có dấu hiệu viêm loét dạ dày tá tràng có thể kể đến như:

  • Thuốc trung hòa acid: hydroxit magie, hydroxit nhôm, bicarbonat natri và canxi cacbonat,…
  • Thuốc kháng H2: Ranitidine, Cimetidine, famotidin, nizatidine,…
  • Thuốc PPI: Esomeprazole, Omeprazole, Pantoprazole, Lansoprazole, Rabeprazole…
  • Thuốc bao vết loét: rebamipide, sucralfate, bismuth,…
  • Thuốc kháng sinh: levofloxacin, amoxicillin, metronidazole, clarithromycin, tinidazole, tetracycline,…

Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến trực tiếp từ bác sĩ để được tư vấn và chỉ định sử dụng với liều lượng phù hợp với cơ địa cũng như tình trạng sức khỏe của bản thân, không nên tự ý sử dụng tùy tiện.

Xem thêm: 

Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng có khả năng gây ra nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và xử lý, điều trị kịp thời. Hy vọng qua những kiến thức trên, bạn đã hiểu thêm phần nào về căn bệnh này để có hướng phòng ngừa cũng như phát hiện bệnh một cách nhanh chóng.

Tổng đài miễn cước
Danh sách nhà thuốc gần bạn nhất
Mua hàng online
nhận hàng tại nhà
Mua hàng online
nhận hàng tại nhà
Danh sách nhà thuốc gần bạn nhất
Nhận thông báo
Thông báo
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments

SẢN PHẨM LIÊN QUAN

1