[Phân Tích] Vì Sao Vi Khuẩn HP Sống Được Trong Dạ Dày?
-
Ngày đăng:
25/02/2020 -
Lần cập nhật cuối:
17/07/2023 -
Số lần xem
348
Nội dung bài viết
ToggleChúng ta thường cho rằng chẳng có vi khuẩn nào có thể sống được trong axit. Vậy vì sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày? Chúng xâm nhập vào dạ dày và sinh trưởng, gây bệnh ra sao? Có trị được hay không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết chuyên sâu dưới đây.
1. Tổng quan về vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP hay Helicobacter pylori (H.pylori) là xoắn khuẩn Gram âm, có kích thước khoảng 0,5-1×2,5 micromet. Đặc biệt, chúng làm một trong số rất ít những loại vi khuẩn có khả năng tồn tại và sinh trưởng trong môi trường axit của dạ dày.
Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh đau dạ dày mãn tính, loét dạ dày, viêm dạ dày, ung thư dạ dày.
Tại Việt Nam, số người nhiễm khuẩn HP khá cao, lên tới 70%. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HP cũng có dấu hiệu rõ rệt và bị đau dạ dày. Đa số mọi người không phát hiện ra mình nhiễm vi khuẩn HP. Một số người chỉ phát hiện thông qua khám sức khỏe định kỳ và cơ thể không hề có tác động tiêu cực nào liên quan đến các bệnh dạ dày từ HP.
>> Xem thêm:
2. Đặc điểm vi sinh nào khiến HP sống được trong dạ dày?
2.1. Tính chuyển động
Khuẩn HP có cơ thể dạng xoắn, hoặc cong như dấu “?’, dấu phẩy hoặc cánh cung. Ngoài ra, ngoài vỏ tế bào của HP còn có một lớp lông mao.
Thông qua hoạt động của các lông mao cũng như cấu trúc xoắn, HP có khả năng di chuyển nhanh và dễ dàng xuyên thủng lớp màng nhầy bao bọc niêm mạc dạ dày. Nhờ vậy, HP có thể thâm nhập vào sát niêm mạc dạ dày, làm ổ và sinh trưởng tại đây.
2.2. Enzyme urease:
Enzyme urease là mấu chốt quan trọng, giúp HP sống được trong môi trường axit của dịch vị.
Enzyme này biến đổi urea thành amoniac và bicarbonate. Nhờ vậy, môi trường xung quanh vi khuẩn được trung hòa và có pH bằng 7 – tương đương với độ pH của nước. Khi này, HP có thể dễ dàng sinh trưởng và phát triển trong dạ dày mà không sợ bị axit dịch vị tiêu diệt.
2.3. Yếu tố kết dính
Đây là yếu tố quan trọng giúp cho vi khuẩn HP có thể bám dính vào biểu bì mô của dạ dày. Nếu không có chất kết dính, thì vi khuẩn này sẽ bị đẩy theo thức ăn đi xuống ruột khi hoạt động co bóp và tiêu hóa diễn ra, cũng như khi các lớp mô được tái sinh thì chúng sẽ bị loại bỏ. Đây cũng là một yếu tố quyết định giúp HP có thể tồn tại trong dạ dày.
2.4. Phức hệ CagA và T4SS ( hệ thống chế tiết type 4)
Hệ thống này giúp vi khuẩn HP có thể thoát khỏi sự tiêu diệt của đại thực bào (tế bào miễn dịch tự nhiên của cơ thể). Ngoài ra phức hệ này còn làm giảm các peptide kháng khuẩn của hệ miễn dịch, gây cảm ứng tế bào đuôi gai dung nạp.
Qua đó ngăn chặn sự đáp ứng miễn dịch của các tế bào lympho T (một loại tế bào miễn dịch quan trọng không kém các đại thực bào). Do vậy, vi khuẩn HP có thể tồn tại trong dạ dày mà không bị hệ miễn dịch tiêu diệt.
Ngoài ra, vi khuẩn HP có thể tồn tại tốt trong dạ dày do tiết VacA, Cholesterol-alpha-glucosyltransferase, GGT (gama-glutamyl-transpeptidase). Các hợp chất này cũng có tác dụng ức chế đại thực bào và sự hoạt động của lympho T. Qua đó giúp vi khuẩn HP né tránh được sự tấn công của hệ miễn dịch tự nhiên và sống được trong dạ dày.
3. Tại sao vi khuẩn HP sống được trong dạ dày?
Chúng ta đều biết rằng HP có thể dẫn tới viêm loét dạ dày. Cụ thể là do chúng có khả năng tiết ra độc tố và có khả năng giữ sắt trong dạ dày.
3.1. Tiết độc tố gây viêm loét niêm mạc dạ dày
Độc tố do HP tiết ra làm ức chế sự tăng sinh tế bào niêm mạc dạ dày. Các protein này kích thích sự tăng trưởng và làm cho HP khu trú vào niêm mạc dạ dày, do hoạt động của men Cu-Zn superoxide dimutase và Mn superoxyde dimutase, làm cho vi khuẩn dễ bám vào niêm mạc.
Các yếu tố độc lực làm tổn thương dạ dày của vi khuẩn HP bao gồm:
- CagA & T4SS: gây loét dạ dày, ung thư dạ dày
- VacA, BabA: gây loét và ung thư dạ dày
- HtrA gây ung thư dạ dày
- DupA gây loét tá tràng
- IceA và OipA gây loét dạ dày
3.2. Các adhesins giúp thu giữ sắt
Vi khuẩn H.Pylori rất cần sắt để phát triển. Tuy nhiên, trong dạ dày bình thường có rất ít sắt. Do đó, khuẩn Helicobacter Pylori phải tiết ra siderophore để bắt giữ sắt trong môi trường xung quanh. Ngoài ra, trên vách vi khuẩn HP còn có protein kết hợp lactoferine, cũng giúp HP thu giữ sắt từ môi trường xung quanh.
Do vậy, ngoài gây viêm loét dạ dày, tá tràng … vi khuẩn HP còn có khả năng gây thiếu máu do thiếu sắt và tăng nguy cơ ung thư hoá.
4. Làm sao để biết mình bị nhiễm vi khuẩn HP?
4.1. Triệu chứng nhận biết nhiễm vi khuẩn HP
Khi nhiễm vi khuẩn HP, bệnh nhân vẫn có thể sống khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng quá rõ ràng. Trên thực tế chỉ có 20% số người nhiễm HP có biểu hiện thành bệnh.
Ở những trường hợp HP phát triển thành bệnh đau dạ dày, người bệnh sẽ cảm nhận được nhiều dấu hiệu tiêu cực. Ví dụ như các cơn đau bụng sau khi ăn, buồn nôn, mất cảm giác ăn ngon miệng, ợ nóng thường xuyên, đầy hơn và giảm cân không mục đích.
Trong những trường hợp nhiễm bệnh lâu ngày, bạn có thể thấy các triệu chứng rõ ràng hơn như đau bụng dữ dội, khó nuốt, có máu lẫn trong phân hoặc có màu đen, một số nặng hơn là nôn ra máu.
Nếu xuất hiện những triệu chứng nói trên, nghi ngờ bản thân nhiễm HP thì cần đến ngay bệnh viên để làm các xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn HP ngay sau đây.
4.2. Các xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn HP
+) Nội soi:
Nội soi là phương pháp kiểm tra niêm mạc dạ dày trực tiếp bằng cách luồn ống có gắn camera từ thực quản xuống dạ dày, cho ra hình ảnh thật của niêm mạc bên trong dạ dày. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy sinh thiết dạ dày để kiểm tra có HP hay không.
Đây là phương pháp phổ biến trong xét nghiệm vi khuẩn HP, thời gian cho kết quả tương đối nhanh và cho kết quả chính xác.
+) Test hơi thở:
Xét nghiệm hơi thể là phương pháp không xâm lấn gần như được nhiều người lựa chọn vì cho kết quả nhanh và không phải thao tác nhiều.
Bệnh nhân sẽ cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và lấy mẫu hơi thở vào các túi hoặc thiết bị chuyên dụng do bác sĩ phát.
Hiện nay, các bác sĩ cũng khuyến khích bệnh nhân sử dụng phương pháp này thay cho các việc xét nghiệm máu để tiết kiệm thời gian, làm giảm sự khó chịu cho người bệnh mà vẫn cho ra kết quả chính xác.
+) Xét nghiệm máu:
Sau khi lấy được 1 mẫu máu, kỹ thuật viên sẽ cho mẫu này vào máy phân tích và cho ra kết quả ngay lập tức. Nếu dương tính, cơ thể bạn đã nhiễm HP và ngược lại là âm tính.
Ưu điểm của phương pháp này là dễ thực hiện và không xâm lấn nên không gây đau đớn cho người bệnh. Tuy nhiên độ chính xác lại không cao, vì kháng thể chống HP có thể tồn tại trong máu rất lâu kể cả khi HP đã được tiêu diệt hết.
+) Xét nghiệm phân:
Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân cung cấp mẫu phân để xét nghiệm. Vì vi khuẩn HP có thể đi theo đường tiêu hoá và thải ra ngoài thông qua phân nên việc xét nghiệm phân gần như cho kết quả chính xác nhất. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là quá trình lấy mẫu thử có thể gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến người khác.
>> Xem thêm: Những điều cần biết khi được chẩn đoán viêm dạ dày HP dương tính
5. Thuốc tiêu diệt vi khuẩn HP
Tùy vào tình trạng bệnh, kinh nghiệm điều trị của bác sĩ và căn cứ vào phác đồ điều trị HP của Bộ Y tế. Bác sĩ sẽ đưa ra một phác đồ phù hợp và hiệu quả nhất với bạn để để có kết quả nhanh cũng như tốt nhất. Dưới đây là một số loại thuốc trị vi khuẩn HP bạn có thể tham khảo:
5.1. Thuốc kháng sinh tiêu diệt HP
Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn H Pylori. Thường là kháng sinh thuộc nhóm Macrolid hoặc Penicillin, nhạy cảm với vi khuẩn HP và được đánh giá cao hiệu quả chữa bệnh dựa trên kháng sinh đồ hoặc phác đồ điều trị HP của Bộ y tế.
- Cơ chế hoạt động: Sản phẩm giúp ức chế tổng hợp Protein của vi khuẩn HP
- Tác dụng chính: Tiêu diệt vi khuẩn HP, ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
- Tác dụng phụ hiếm gặp: rối loạn tiêu hoá, ban đỏ, nổi mề đay hoặc mẩn ngứa.
Một số thuốc kháng sinh thường dùng để điều trị đau dạ dày do HP:
- Metronidazole
- Clarithromycin
- Amoxicillin
- Tetracyclin
- Levofloxacin
5.2. Thuốc bảo vệ niêm mạc (Bismuth)
Bismuth dùng để tạo ra áp lực bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét dạ dày, niêm mạc bình thường không chịu tác động này.
- Cơ chế hoạt động: Tạo màng bảo vệ dạ dày
- Tác dụng chính: Tạo một màng bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi những yếu tố tấn công công từ axit dịch vị và vi khuẩn HP. Cải thiện tình trạng bệnh và nâng cao sức khoẻ dạ dày.
- Tác dụng phụ: Quá trình sử dụng có thể làm cho phân và lưỡi chuyển màu sẫm hoặc đen nhưng phục hồi sau thời gian chữa bệnh.
5.3. Thuốc ức chế tiết axit (PPI, ức chế histamin H2)
Nhóm thuốc này là giải pháp lý tưởng để giảm tiết axit dịch vị, dễ uống và ít hấp thụ vào máu hay các tác dụng ngoài ý muốn. Chúng không có tác động trực tiếp lên sự sinh trưởng của vi khuẩn HP. Tuy nhiên có tác dụng giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm loét dạ dày
- Cơ chế hoạt động: Ức chế tiết axit mạnh và đặc biệt kết hợp với thuốc Omeprazole mang lại hiệu quả cao nhất.
- Tác dụng chính: Tác dụng nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh nhưng không được khuyên dùng trong trường hợp điều trị viêm loét dạ dày.
- Tác dụng phụ: táo bón, tiêu chảy hoặc đau đầu.
>> Xem thêm: Có nên diệt vi khuẩn HP không, nên diệt khi nào?
Trên đây là toàn bộ thông tin tại sao HP sống được trong dạ dày mà bạn có thể tham khảo và ghi chú nhanh. Việc hiểu đúng và đủ này sẽ hỗ trợ bạn và người thân phòng bệnh cũng như điều trị bệnh tốt hơn.